Chức năng nhiệm vụ của Thư viện
I. Chức năng
Tham mưu cho Hiệu trưởng và tổ chức tốt việc phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và quản lý của nhà trường thông qua việc sử dụng, khai thác các loại tài liệu có trong thư viện (tài liệu chép tay, in, sao chụp, khắc trên mọi chất liệu, tài liệu điện tử, mạng Internet…).
II. Nhiệm vụ
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch hoạt động dài hạn và ngắn hạn của thư viện; tổ chức điều phối toàn bộ hệ thống thông tin, tư liệu, thư viện trong nhà trường;
2. Bổ sung, phát triển nguồn lực thông tin trong nước và nước ngoài đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường; thu nhận các tài liệu do nhà trường xuất bản, các công trình nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, tài liệu hội thảo, khoá luận, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, chương trình đào tạo, giáo trình, tập bài giảng và các dạng tài liệu khác của nhà trường, các ấn phẩm tài trợ, biếu tặng, tài liệu trao đổi giữa các thư viện;
3. Tổ chức xử lý, sắp xếp, lưu trữ, bảo quản, quản lý nguồn tài nguyên của thư viện; xây dựng hệ thống tra cứu thích hợp; thiết lập mạng lưới truy nhập và tìm kiếm thông tin tự động hoá; xây dựng các cơ sở dữ liệu; biên soạn, xuất bản các ấn phẩm thông tin theo quy định của pháp luật;
4. Tổ chức phục vụ, hướng dẫn cho bạn đọc khai thác, tìm kiếm,sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu và các sản phẩm dịch vụ thông tin – thư viện thông qua các hình thức phục vụ của thư viện phù hợp với quy định của pháp luật;
5. Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và công nghệ thông tin vào công tác thư viện;
6. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ thư viện để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả công tác;
7. Đáp ứng các nhu cầu về in ấn giáo trình bài giảng và những ấn phẩm khác phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý của nhà trường, đồng thời đóng góp tài chính cho nhà trường trên cơ sở hạch toán nội bộ.
8. Không ngừng mở rộng quan hệ trao đổi, hợp tác chia sẻ tài nguyên với các đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt chú trọng việc trao đổi thông tin tư liệu với các đơn vị trong ngành, với Liên hiệp thư viện các trường đại học và Trung tâm Thông tin – Tư liệu các bộ ngành hữu quan.
9. Quản lý tốt cơ sở vật chất hiện có, từng bước có kế hoạch nâng cấp, hiện đại hoá Thư viện
10. Có trách nhiệm chia sẻ các thông tin của thư viện cho các đơn vị trong trường.
11. Tham gia các hoạt động đoàn thể và các nhiệm vụ khác do nhà trường giao.
III. Quản lý đơn vị
Giao ban đơn vị hàng tuần để điều chỉnh kịp thời các khó khăn phát sinh trong quá trình công tác. Phân công quản lý theo mảng công việc và theo dõi tiến độ thực hiện.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức của đơn vị được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, ngoại ngữ, tin học... Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ viên chức của phòng.
Quản lý và khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường, đơn vị.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THƯ VIỆN TRƯỜNG ĐH DƯỢC HN
Cùng với giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện là nơi gần gũi, gắn bó với giảng viên và sinh viên trong suốt thời gian giảng dạy, học tập ở trường. Thư viện trở thành niềm tự hào, là địa chỉ đáng tin cậy của giảng viên và sinh viên trong quá trình giảng dạy và học tập.
Năm 1964, sau khi thành lập trường, một căn nhà 2 gian đã được xây dựng sau dãy nhà cao tầng ở Khu nội trú sinh viên ở Dốc Thọ Lão đã được giành để triển khai, phục vụ cho nhu cầu đọc của cán bộ và sinh viên. Phụ trách phòng đọc là anh Nguyễn Văn Hưu - một cán bộ trẻ mới tốt nghiệp trung học thư viện. Sách và tài liệu phần lớn bằng tiếng Việt và một số tài liệu tiếng Nga.
Năm 1965, nhà trường đi sơ tán, một bộ phận lớn của Thư viện lên Lục Ngạn (Bắc Giang). Thời đó Thư viện có cán bộ chuyên trách là CN.Đỗ Văn Trường tốt nghiệp cao đẳng thư viện khoá I (1961-1965). Trong những năm trường sơ tán, Thư viện là nơi được các sinh viên quan tâm nhất, vì sinh viên có nhiều thời gian, nhu cầu về thư viện thực sự lớn. Để có sách, ngoài việc liên hệ mua từ các nhà xuất bản, các anh chị trong bộ phận thư viện phải lo vận chuyển sách trên quãng đường 120 km qua bao nhiêu chặng đường, có thời gian phải tải sách từ ga Bắc Giang lên Sơn Động, Lục Ngạn bằng xe đạp hoặc gánh gồng. Sức trẻ, trách nhiệm, niềm đam mê nghề nghiệp đã giúp cho các cán bộ công tác ở Thư viện hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 1969, trường chuyển về Ninh Sở, Thường tín (Hà Tây cũ). Từ Sơn Động, Lục Ngạn trở về nơi sơ tán mới công việc phục vụ của Thư viện vẫn được duy trì.
Năm 1975, Thư viện được tổ chức thành đơn vị độc lập trong trường, được bố trí vào địa điểm mới và tồn tại từ đó. DS.Nguyễn Văn Kỳ - một cán bộ có thâm niên công tác trong ngành lâu năm, là giảng viên Bộ môn Hữu cơ được giao phụ trách Thư viện trường nhiều năm tiếp theo. Sau khi DS.Kỳ nghỉ hưu, người kế nhiệm là DS.Nguyễn Ngọc Kiện (1980). Sau đó DS.Kiện đi chuyên gia ở Angola, rồi nghỉ hưu. Năm 1983, CN.Đỗ Văn Trường được giao phụ trách Thư viện. Từ năm 1997-2009, TS.Nguyễn Mạnh Pha được cử phụ trách đơn vị. Ngày 25 tháng 5 năm 2009 Thư viện Trường được chính thức thành lập theo quyết định số 181/QĐ-DHN, CN.Nghiêm Thị Hoài Phương được cử phụ trách.
Trong thời gian này được sự đầu tư của Bộ Y tế và nhà trường, Thư viện đã có thêm những trang thiết bị hiện đại. Thư viện cũng triển khai hệ thống Medline và IDIS về thông tin thuốc nước ngoài. Bước đầu xây dựng thư viện điện tử, nối mạng Internet phục vụ cho công tác học tập và tra cứu của cán bộ và sinh viên, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của độc giả. Thư viện đã được đánh giá cao và thu hút được nhiều độc giả trong đó có nhiều cán bộ ngoài trường. Thư viện được định hướng là bộ phận tư liệu thông tin của trường phù hợp với xu hướng hiện đại và yêu cầu của người sử dụng nhằm cung cấp sách, báo, tạp chí, thông tin tư liệu cho cán bộ và sinh viên trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Hiện nay Thư viện có một cơ sở vật chất khá tốt, với diện tích 700m2, được chia thành các bộ phận: Tổ in, Kho sách giáo trình, Kho sách tham khảo, Phòng đọc mở, Phòng tra cứu điện tử. Với số lượng tài liệu hiện có khoảng 12000 tài liệu bao gồm: sách tham khảo tiếng Việt, sách tham khảo ngoại văn, giáo trình học tập, luận án, luận văn, khoá luận, báo, tạp chí. Được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, nguồn lực thông tin tương đối đầy đủ, Thư viện thực sự trở thành giảng đường thứ hai trong nhà trường.
Năm 2009, Thư viện đã tiến hành đưa phòng đọc mở (tự chọn tài liệu) vào phục vụ sinh viên và cán bộ trong trường.
Trong những năm gần đây hoạt động đào tạo cho người dùng tin luôn được đẩy mạnh, Thư viện đã chú trọng đến chương trình giảng dạy cho bạn đọc, đảm bảo cung cấp đến người dùng tin những kiến thức cơ bản nhất về các hoạt động và dịch vụ của thư viện: Bổ sung các kĩ năng tra cứu thông tin cho người dùng, ngoài ra thư viện còn phát triển các hình thức tuyên truyền khác: tổ chức định kỳ giới thiệu sách chuyên đề và vận động thu hút các nguồn tài liệu điện tử miễn phí để giới thiệu cho bạn đọc. Tích cực hợp tác, giao lưu với Thư viện của các trường đại học trong và ngoài ngành nhằm chia sẻ và trao đổi thông tin.
Thư viện đang tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử nội sinh, trong đó chú trọng bộ giáo trình điện tử của nhà trường và CSDL điện tử luận văn, khoá luận chuyên ngành mà nhà trường đào tạo, để phục vụ cho việc tổ chức, triển khai xây dựng hệ thống thư viện điện tử trong thời gian tới.
THÀNH TÍCH ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY:
- Tập thể: đạt danh hiệu: “Tập thể lao động xuất sắc năm học 2009-2010”
"Tập thể lao động xuất sắc năm học 2010-2011".
"Tập thể lao động xuất sắc năm học 2017-2018"